Feeds:
Bài viết
Bình luận

Hình bướm và côn trùng:

This slideshow requires JavaScript.

Hình động vật khác:

Hình chim sẻ:

This slideshow requires JavaScript.

 

Xin chào mừng Quý vị và các bạn đã ghé thăm blog của tôi!

tongxuantam.wordPress.com

Welcome to WordPress.com.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, có thể nói là rất nghèo ở một làng quê Thanh Hóa. Nơi đây gặp rất nhiều thiên tai, bão lụt. Cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn phụ thuộc vào những mảnh ruộng. Năm nào được mùa thì còn đủ gạo ăn, năm nào lũ lụt, hạn hán thì gạo thiếu trước hụt sau, quanh năm ăn độn với khoai lang và củ mì. Tôi còn nhớ như in có những năm tháng gian khổ đã qua, cả gia đình gần chục miệng ăn mà mỗi bữa chỉ nấu một lon gạo. Ba mẹ tôi không ăn cơm nhường lại cho chúng tôi mà chỉ ăn những thứ độn khác cho qua ngày tháng. Từ ngày chống Pháp trở về, ba tôi bị đau dạ dày triền miên nhưng không có cơm để ăn mà phải ráng nuốt những thứ độn đó làm tôi nghẹn ngào đến trào dâng. Tôi lại càng yêu ba mẹ nhiều hơn.

Mặc dù cuộc sống vật chất khó khăn nhưng gia đình tôi vẫn rất hạnh phúc. Ba mẹ tôi không bao giờ to tiếng với nhau. Cả gia đình thường quây quần bên nhau sau những “bữa cơm” đạm bạc và nhất là vào mùa đông giá rét cả gia đình quần tụ bên đống lửa hồng trong cái bếp tranh, vừa sưởi ấm vừa kể chuyện cho nhau nghe.

Tối nào cũng vậy, trước khi ngủ, ba tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện rất hay. Câu chuyện nào ba tôi kể cũng đều hàm ý giáo dục tôi phải sống như thế nào cho phải lẽ đời, phải tự mình đứng dạy khi vấp ngã. Những điều đó đã từng ngày hun đúc tạo nên con người tôi. Tôi luôn cố gắng chăm ngoan, học giỏi và siêng năng làm việc cho nên các năm học từ cấp một đến cấp hai tôi thường đạt danh hiệu học sinh tiên tiến hoặc học sinh giỏi. Mỗi lần nhận phần thưởng ở trường về, ba mẹ tôi thường động viên, khích lệ tôi: “Con ngoan và giỏi lắm!”. Những lời khen ấy làm cho tôi cảm thấy sung sướng vô cùng.

Cuộc sống ở làng quê đâu có được sung sướng như ở chốn thị thành. Ngoài những giờ học ở trường, tôi lại dắt trâu ra đồng để chăn, cắt cỏ cho trâu ăn, chăn vịt, tát cá, mò cua, bắt ốc, hái rau, đi cày, đi cấy,… Nhất là vào mùa thu hoạch lúa và cày cấy phải tất bật vì công việc đồng áng nên nhiều lúc mệt nhoài, đi học mà mắt cứ nhíp lại vì buồn ngủ do phải thức khuya để làm bài tập, học và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.

Tưởng đâu cuộc sống hạnh phúc đơn sơ sẽ thuận buồm theo gió lướt đi. Nào ngờ con thuyền kia đã gặp phải sóng gió lênh đênh. Đến khi tôi học hết học kì một của lớp chín thì cũng là lúc đau buồn nhất đời tôi đã xảy ra. Tôi đau điếng đến chết lặng khi mà người cha của tôi – người mà tôi dành nhiều tình cảm thiêng liêng nhất đã không còn ở bên tôi nữa. Căn bệnh ung thư dạ dày quái ác đã cướp mất ba của tôi……..

Vậy là đã gần chín năm, đứa con trai út của ba mẹ đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngày 21/07/2001 vẫn còn in mãi dấu ấn trong trái tim con khi lần đầu tiên một cậu sinh viên vừa tốt nghiệp đại học được vinh dự đứng trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Bác Hồ dõng dạc đọc lời thề sẽ đi theo con đường của Đảng. Ngày ấy, ba không thể hình dung được mẹ hạnh phúc đến nhường nào khi biết con tiếp tục nối bước của ba để đi tiếp chặng đường mà ba đã trọn đời theo Đảng.

Con lớn lên trong vòng tay yêu thương rộng mở của ba mẹ. Từ những hạt gạo, lá rau, củ khoai, củ sắn ba mẹ đã chắt chiu nuôi con khôn lớn từng ngày. Ba đi chiến trường mười ba năm dài đằng đẵng, khi quay trở về quà dành tặng mẹ là một vết thương trên đùi phải của ba vẫn còn một mảnh đạn sót lại mà không bao giờ lấy ra được và hai vết mổ ở bụng do viêm dạ dày và ruột thừa.

Ngày ấy, mỗi tối trước khi ngủ ba tôi thường kể cho tôi nghe những kỉ niệm trong chiến trường không bao giờ quên của một thời trai trẻ, cả những lần ba suýt chết dưới bom đạn của kẻ thù. Ba tôi truyền cho tôi tinh thần yêu nước và ngọn lửa trái tim bừng bừng cháy của người chiến sĩ cộng sản ngay từ thời tôi còn rất bé. Những tinh thần ấy đã từng ngày hun đúc tạo nên con người tôi của ngày hôm nay.

Và đến một ngày tháng giêng năm 1993, đất trời như đang quay cuồng, sụp đổ. Căn bệnh ung thư dạ dày đã cướp đi người cha, người bạn yêu quý nhất đời tôi, để lại tôi – một cậu bé mới mười bốn tuổi cô đơn, lạc lõng giữa cõi đời. Trước khi ra đi, ba tôi còn kịp dặn tôi được đôi lời: “Con hãy sống sao để khi con nhắm mắt ra đi người đời rơi lệ vì con. Con muốn hạnh phúc thì trước hết hãy biết mang hạnh phúc đến cho người khác. Đừng vì dư luận mà làm lung lay ý chí nếu con tin vào điều con đang làm là chính nghĩa. Người biết sống vì người khác bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn nhưng…”. Ba tôi đã bỏ lửng câu nói ở đó để tôi tự suy nghĩ và từ giây phút ấy tôi không còn được nghe tiếng nói của ba nữa.

Tôi lớn lên với hành trang là những lời căn dặn của ba tôi trước lúc ra đi. Tôi cố gắng học tập, làm việc chăm chỉ hơn và tham gia vào các hoạt động xã hội. Có lẽ khó ai tin được một điều mà đến chính tôi cũng không nghĩ mình có thể vượt qua. Tôi đã trải qua bốn năm đại học với hai triệu đồng của gia đình. Ngày tôi nhận được tin đậu đại học cũng là ngày tôi có nhiều trăn trở nhất. Biết lấy tiền đâu để học đại học khi mà ba tôi ra đi để lại mẹ già gần sáu mươi tuổi và tôi với nợ nần chồng chất chạy chữa cho ba. Nhà tôi có đến tám anh chị em nhưng bảy người đã có gia đình riêng, đi xa và còn đang tất bật lo từng bữa ăn. Và rồi tôi đã quyết định tiếp tục con đường học vấn, không cho phép mình lùi bước. Tôi đã đi dạy thêm ngay từ khi mới bước chân vào giảng đường đại học và tôi sẵn sàng nhận làm bất kì công việc nào để có tiền ăn học miễn là công việc đó chính đáng. Ban ngày đến lớp học, tối đến thì đạp xe đi dạy kèm, dù nơi tôi dạy có xa đến chục cây số tôi vẫn cố gắng đến dạy. Những ngày nghỉ cuối tuần hay vào những dịp lễ tết, mỗi khi có dịp, tôi thường tham gia vào các hoạt động của Đoàn thanh niên và Đội công tác xã hội của trường để được làm những điều có ích, để được học hỏi kĩ năng sống và nhất là để giảm stress sau những ngày học tập và làm thêm căng thẳng. Tôi đã bắt đầu sống tự lập được trên đôi tay của mình. Nhận được những đồng tiền dành dụm từ học bổng của Nhật tài trợ cho sinh viên nghèo vượt khó và tiền làm thêm tôi biếu mẹ mà lòng mẹ tôi nghẹn ngào không nói nên lời.

Ngày ra trường, tôi trở về thăm mẹ với tấm bằng cử nhân Sư phạm đạt thủ khoa, loại giỏi và quyết định kết nạp Đảng, mẹ đã ôm tôi vào lòng và nói: “Con như chiếc thuyền nan bé nhỏ đã vượt qua sóng gió của cuộc đời để mang hạnh phúc về cho mẹ”. Mẹ tôi càng hạnh phúc hơn khi biết tôi được giữ lại trường làm giảng viên để có cơ hội truyền ngọn lửa yêu nghề cho các thế hệ sinh viên. Và từ năm 2005 đến nay, nhờ được giao làm trợ lí thanh niên cho Khoa nên tôi cũng có dịp truyền nhiệt huyết của tuổi trẻ cho sinh viên của mình.

Ở lại trường và tôi tiếp tục được đi học cao học tại khoa Sinh học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với kết quả cao học đạt loại giỏi, tôi được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh và sắp bảo vệ luận án tiến sĩ. Nếu ba còn sống, ba sẽ thấy hạnh phúc khi đứa con của ba đã và đang từng ngày làm những điều ba căn dặn.

Cuộc đời không chỉ có những thành công mà có cả những vấp ngã không thể nào tránh khỏi. Tuổi trẻ mà! Nhiệt huyết có. Lí tưởng có. Nhưng còn thiếu nhiều kinh nghiệm sống và kĩ năng sống nên có những lúc vấp ngã là lẽ thường tình. Mỗi lần vấp ngã biết tự mình đứng dậy, biết suy nghĩ để rút kinh nghiệm mới là điều đáng trân trọng. Cuộc sống đã cho tôi nghiệm thấy rằng hãy sống hết mình vì lí tưởng, hoài bão nhất định sẽ thành công ■

TS. Tống Xuân Tám

Khoa Sinh học – Trường Đại học Sư phạm TP.HCM

Tel: 0982 399 008

Email: tongxuantam@yahoo.com; tongxuantam@gmail.comtongxuantam@hcm.edu.vn; tamtx@hcmup.edu.vn